GIỚI THIỆU
Bất cứ khi nào đặt lực, nó cũng tạo một lực đối kháng bằng với lực ban đầu. Khu vực hoặc đơn vị giúp chống lại phản lực, ngăn những chuyển động không mong muốn của răng được gọi là đơn vị neo chặn.
White và Gardiner định nghĩa neo chặn như là “vùng phân phối từ đó lực được tạo ra”.
Graber làm rõ thêm một chút nữa, ông định nghĩa neo chặn là “bản chất và mức độ kháng lại sự thay đổi vị trí được tạo ra bởi một đơn vị giải phẫu khi đơn vị này được sử dụng cho mục đích tác động lên sự di chuyển của răng”.
Tất cả những khí cụ chỉnh nha có thể được xem như có hai thành phần cụ thể là thành phần tác động và thành phần kháng. Thành phần tác động có nhiệm vụ tạo lực và thành phần kháng có nhiệm vụ tạo sự kháng để làm lực này có hiệu quả; một thành phần sẽ trở nên vô ích nếu như không có phần sau.
NGUỒN GỐC CỦA NEO CHẶN
Đây là những đơn vị giải phẫu và/hoặc vùng được sử dụng với mục đích tạo ra sự cản trở chuyển động, tức neo chặn. Chúng được chia thành hai nhóm tùy thuộc vào vị trí của chúng như (1) nguồn gốc trong miệng, và (2) nguồn gốc ngoài miệng.
NEO CHẶN CÓ NGUỒN GỐC TRONG MIỆNG
Neo chặn có nguồn gốc trong miệng bao gồm:
- Xương ổ răng
- Răng
- Xương nền
- Xương vỏ
- Cơ
Xương ổ răng
Trong giới hạn cho phép thì xương ổ răng chống lại sự biến dạng. Điều này có thể thấy được từ sự tái sắp xếp của các bè xương trong xương ổ răng. Một khi lực được tạo ra vượt quá những gì xương ổ răng có thể cản trở thì răng di chuyển và xương tái cấu trúc.
Xương ổ răng ít đặc xương thì neo chặn kém hơn. Xương càng trưởng thành thì càng tăng neo chặn. Điều này xảy ra vì hai yếu tố – một, xoang trở nên khoáng hóa hơn và việc tiêu xương cần thời gian và hai là khả năng phục hồi của xương giảm.
Lực được phân tán trên một bề mặt xương lớn thì càng tăng neo chặn.
Hình 1A. Bè xương ít dày đặc ở vùng phía trước hàm trên
Hình 1B. Xương ổ răng đặc với các bè xương sắp xếp theo chiều ngang ở vùng phía sau hàm dưới
Răng
Răng bản thân nó chống lại sự di chuyển. Lực có thể được tạo ra từ một nhóm răng để di chuyển những răng khác nào đó. Khả năng neo chặn của răng tùy thuộc vào số lượng răng bao gồm trong đó – dạng chân răng, kích thước chân răng và số lượng chân răng, vị trí răng, độ nghiêng trục của răng và sự lồng múi của chúng, v.v…
Dạng chân răng
Dạng chân răng ở một mức độ nào đó có vai trò trong mức độ neo chặn của răng. Chân răng có mặt cắt ngang có thể có hình tròn, dẹt (theo chiều gần xa) hoặc tam giác. Sự phân bố của dây chằng nha chu trên bề mặt chân răng hỗ trợ việc neo chặn. Sợi càng nhiều thì neo chặn càng tốt. Hướng bám của sợi cũng ảnh hưởng đến neo chặn của răng. Chân răng tròn chỉ có một nửa sợi dây chằng nha chu bị nén theo bất kỳ hướng nào. Do đó cung cấp ít neo chặn nhất. Chân răng dẹt theo chiều gần xa có khả năng kháng lại di chuyển theo chiều gần xa tốt hơn so với chiều ngoài trong vì có nhiều sợi được kích hoạt trên bề mặt phẳng hơn so với bề mặt hẹp hơn tương ứng ở mặt ngoài hoặc mặt trong. Chân răng hình tam giác, giống như ở răng nanh có khả năng tạo neo chặn tốt hơn. Độ dẹt của nó tăng thêm độ kháng.
Hình 2. Hình ảnh cắt ngang của chân răng
Sự sắp xếp các chân răng như kiền ba chân, giống như ở răng cối lớn hàm trên hỗ trợ tăng neo chặn. Chân trong hình tròn khống lại sự trồi và hai chân ngoài dẹt chống lại sự lún và lực gần xa. Trong tình huống lâm sàng khi gắn tube mặt ngoài những răng ngày, chúng có khuynh hướng “cuộn” về phía gần, thân răng xoay gần trong dưới lực hướng về phía gần.
Hình 3A. Chân răng sắp xếp như kiền ba chân
Hình 3B. Răng cối lớn thứ nhất hàm trên xoay gần trong
Kích thước chân răng
Chân răng càng dài càng lớn thì khả năng neo chặn càng tốt. Răng nanh hàm trên vì có chân răng dài nên là răng khó di chuyển nhất trong tình huống lâm sàng nhất định.
Hình 4. Chân răng nanh hàm trên dài tăng khả năng neo chặn
Số lượng chân răng
Bề mặt càng lớn thì nâng đỡ nha chu càng lớn do đó khả năng neo chặn càng cao. Răng nhiều chân cung cấp neo chặn tốt hơn so với răng một chân nếu như chân răng có cùng độ dài.
Vị trí của răng
Đôi khi vị trí của răng trên mỗi cung răng riêng biệt cũng giúp tăng khả năng neo chặn. Vì trong trường hợp răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới được nằm giữa hai gờ – gờ hàm móng và gờ chéo ngoài, chúng tăng khả năng kháng đối với chuyển động về phía gần.
Độ nghiêng trục của răng
Khi răng bị nghiêng theo hướng ngược với hướng đặt lực thì nó cung cấp lực kháng hoặc neo chặn nhiều hơn.
Hình 5. Độ nghiêng trục của răng
Sự hình thành chân răng
Răng có chân răng chưa hoàn thành xong dễ di chuyển hơn và có khả năng cung cấp neo chặn kém hơn.
Điểm tiếp xúc
Răng với tiếp xúc nguyên vẹn hoặc tiếp xúc rộng thì có khả năng neo chặn tốt hơn.
Lồng múi
Sự lồng múi tốt mang lại khả năng neo chặn tốt hơn. Điều này chủ yếu là vì răng trên một hàm bị ngăn di chuyển vì tiếp xúc với những răng ở hàm đối diện, điều này đặc biệt đúng với các răng phía sau, cũng cho thấy sự hiện diện của những mặt bị mòn.
Hình 6. Lồng múi tốt làm tăng khả năng neo chặn
Xương nền
Những vùng cụ thể của xương nền giống như khẩu cái cứng và mặt trong của xương hàm dưới ở vùng phía trước có thể được dùng để tăng thêm neo chặn. Nút Nance khẩu cái là một trong những khí cụ dùng khẩu cái cứng để tạo ra lực kháng lại chuyển động về phía gần của răng cối lớn hàm trên.
Hình 7. Nút Nance khẩu cái
Xương vỏ
Ricketts đưa ra ý tưởng dùng xương vỏ để làm neo chặn. Sự tranh cãi đó là xương vỏ đặc hơn và giảm cung cấp máu và sự thay thế xương. Do đó, nếu các răng nào đó bị nghiêng tiếp xúc với xương vỏ thì chúng có khả năng neo chặn tốt hơn. Ý kiến này vẫn còn nhiều tranh cãi vì các chân răng cũng biểu hiện tiêu trong tình trạng này và nguy cơ chết tủy của răng cũng cao hơn.
Cơ
Trong điều kiện bình thường cơ vùng miệng đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của cung răng. Tình trạng nhược cơ của cơ vùng miệng có thể dẫn đến thưa hoặc loe vùng răng cửa. Tình trạng cường cơ đó có hiệu ứng ngược lại. Lip bumper là một khí cụ dùng trương lực cơ môi và tăng cường neo chặn cho vùng răng cối lớn hàm dưới tránh sự di gần của răng này.
Hình 8. Lip bumper sử dụng trương lực môi và tăng cường khả năng neo chặn của răng cối lớn hàm dưới, tránh di gần
PHÂN LOẠI NEO CHẶN
- Neo chặn được phân loại theo cách thức ứng dụng lực:
- Đơn giản
- Không thay đổi
- Đối ứng
- Neo chặn được phân loại theo cung hàm liên quan
- Nội hàm
- Liên hàm
- Neo chặn được phân loại theo vị trí đặt neo chặn
- Trong miệng
- Ngoài miệng
- Cơ
- Neo chặn được phân loại theo số lượng đơn vị neo chặn
- Đơn
- Phức hợp
- Tăng cường
- White và Gardiner phân loại neo chặn thành 6 nhóm:
- Đơn giản
- Không thay đổi
- Đối ứng
- Tăng cường
- Liên hàm
- Ngoài miệng
Để hiểu rõ hơn về neo chặn, sẽ thuận tiện nếu phân neo chặn thành neo chặn trong miệng và ngoài miệng. Neo chặn trong miệng có thể phân nhỏ thành neo chặn hàm trên và hàm dưới. Cả hai loại này đều có thể phân thành 3 loại nhỏ là đơn giản, đứng yên hoặc đối ứng.
Neo chặn đơn giản có thể chia nhỏ thành đơn, phức hợp và tăng cường. Neo chặn ngoài miệng có thể phân thành các nhóm dựa vào vị trí của đơn vị nâng đỡ như cổ, chẩm, sọ hoặc mặt.
NEO CHẶN TRONG MIỆNG
Loại neo chặn này được định nghĩa khi và chỉ khi tất cả các đơn vị neo chặn hiện diện trong khoang miệng. Neo chặn từ bất cứ nguồn gốc nào trong miệng bao gồm răng, khẩu cái, v.v… có thể tạo thành nên loại neo chặn này. Neo chặn trong miệng có thể được chia thành neo chặn nội hàm hoặc liên hàm tùy thuộc vào vị trí của các nhân tố tạo neo chặn giữa hai hàm.
NEO CHẶN NỘI HÀM
Khi tất cả các yếu tố tạo nên neo chặn cũng như được di chuyển nằm trong cùng một hàm thì được gọi là neo chặn nội hàm. Ở đây răng bị di chuyển và đơn vị neo chặn nằm trong cùng hàm đó, chẳng hạn như hàm trên hoặc hàm dưới. Ví dụ, khi thun chuỗi được dùng để kéo lùi nhóm răng trước, dùng các răng sau như là đơn vị neo chặn.
Neo chặn nội hàm có thể được chia nhỏ thành ba loại nhỏ tùy thuộc vào cách thức áp dụng lực như:
- Đơn giản
- Không thay đổi
- Đối ứng
Hình 9. Neo chặn nội hàm, đơn vị neo chặn (vung răng hàm trên phía sau) và các răng được di chuyển (răng nanh hàm trên) nằm trên cùng một cung răng
NEO CHẶN ĐƠN GIẢN
Neo chặn được gọi là đơn giản khi cách thức áp dụng lực có khuynh hướng làm thay đổi độ nghiêng trục của răng hoặc các răng tạo thành đơn vị neo chặn trong mặt phẳng không gian mà trong đó lực được áp dụng. Như vậy, khả năng ngăn cản việc nghiêng của đơn vị neo chặn có thể được dùng để kéo lùi những răng nào đó. Neo chặn đơn giản đạt được bằng cách liên kết một số lượng lớn răng hơn số răng bị di chuyển. Bề mặt vùng chân răng của đơn vị neo chặn tối thiểu nên gấp đôi phần đơn vị cần được di chuyển.
Kéo lùi các răng trước với sự hỗ trợ của khí cụ Hawley hoặc di chuyển một răng sử dụng khí cụ ốc vít là những dẫn chứng của neo chặn đơn giản vì vùng bề mặt chân răng của đơn vị neo chặn nhiều hơn của vùng răng được di chuyển.
Hình 11A. Kéo lùi răng trước bằng khí cụ tháo lắp kết hợp với cung môi dài và móc lưu giữ
Hình 11B. Một răng bị đẩy về phía ngoài dùng khí cụ kết hợp với một ốc vít
NEO CHẶN KHÔNG THAY ĐỔI
Neo chặn được cho là không thay đổi khi áp dụng lực có khuynh hướng thay đổi đơn vị neo chặn một cách tịnh tiến trong mặt phẳng đặt lực. Khả năng răng làm neo chặn di chuyển tịnh tiến nhiều hơn so với việc răng bị nghiêng. Chẳng hạn như trong giai đoạn II của kỹ thuật Begg, kết hợp giữa neo chặn bẻ dây cong và thun hạng II giữa răng cối lớn hàm trên và đoạn răng trước hàm dưới, sự đề kháng việc di chuyển tịnh tiến của răng cối lớn hàm dưới giúp kéo lùi khối răng trước hàm trên bằng cách làm nghiêng chúng.
NEO CHẶN ĐỐI ỨNG
Neo chặn được cho là đối ứng khi tồn tại hai răng hoặc hai nhóm răng di chuyển một khoảng bằng nhau theo hướng ngược nhau. Ở đây vùng bề mặt chân răng của đơn vị neo chặn bằng với phía răng được di chuyển. Ảnh hưởng của lực tác dụng là như nhau, tức là hai nhóm răng bị thay đổi vị trí theo hướng ngược nhau nhưng cùng một đoạn đường như nhau. Thun điều trị cắn chéo để sửa chữa cắn chéo vùng răng cối lớn, nong rộng cung răng sử dụng một ốc vít ở đường giữa và dụng cụ xoay răng cối lớn là những dẫn chứng về neo chặn đối ứng.
Hình 12A. Thun điều trị cắn chéo được sử dụng để đẩy răng cối lớn hàm trên về phía ngoài và răng cối lớn hàm dưới vào phía trong (neo chặn đối ứng), sử dụng thun.
Hình 12B. Neo chặn đối ứng được dùng để nong rộng cung răng hàm trên bằng RME
Hình 12C. Khí cụ Niti xoay răng cối được dùng để khử xoay răng cối
NEO CHẶN ĐƠN HAY NEO CHẶN NGUYÊN THỦY
Những trường hợp mà ở đó răng được di chuyển được đọ sức với răng có vùng nâng đỡ xương ổ răng nhiều hơn được gọi là neo chặn nguyên thủy hay neo chặn đơn. Ví dụ, một răng cối lớn cùng với các răng cối nhỏ được dùng để sắp thẳng một răng cối lớn khác.
Hình 13. Neo chặn nguyên thuỷ: một răng cối lớn cùng với răng cối nhỏ cạnh đó được sử dụng để dựng trục răng cối lớn khác
NEO CHẶN PHỨC HỢP
Loại neo chặn này sửa dụng nhiều răng hơn với khả năng neo chặn tốt hơn để di chuyển một răng hoặc một nhóm răng có nâng đỡ ít hơn. Chẳng hạn, kéo lùi các răng cửa dùng cơ chế loop trong khí cụ chỉnh hình răng cố định.
Hình 14. Cơ chế loop được sử dụng để kéo lùi răng trước
NEO CHẶN TĂNG CƯỜNG
Ở đây đơn vị neo chặn được tăng cường nhờ việc sử dụng nhiều hơn một loại đơn vị neo chặn. Chẳng hạn, sử dụng headgear cùng với cơ học khí cụ cố định thường quy (kết hợp neo chặn ngoài miệng và nội hàm) hoặc dùng một cung ngang khẩu cái cùng với cơ học khí cụ cố định hoặc đơn giản bằng cách gắn khâu răng cối lớn thứ hai để kéo lùi răng nanh.
Hình 15. Cung ngang khẩu cái được dùng để tăng cường neo chặn
Hình 16. Khả năng neo chặn của phân đoạn răng sau được tăng cường bằng cách gắn khâu răng cối lớn thứ hai
NEO CHẶN NGOÀI MIỆNG
Như tên của nó, ở đây đơn vị neo chặn nằm ngoài khoang miệng. Những cấu trúc ngoài miệng thường được sử dụng nhất là vùng cổ (như khi dùng headgear kéo cổ), vùng chẩm (như khi dùng headgear kéo cao), vùng trán và cằm (chẳng hạn như facemask). Đơn vị neo chặn ngoài miệng nằm xa vị trí thật sự nơi chuyển động diễn ra vì vậy khó có khả năng đơn vị neo chặn bị thay đổi vị trí. Nhược điểm lớn nhất của neo chặn ngoài miệng là cần sự hợp tác của bệnh nhân. Việc lắp ráp neo chặn khá cồng kềnh và bị nhìn thấy bên ngoài nên bệnh nhân ý thức sâu sắc về diện mạo của mình và ảnh hưởng đến thời gian họ mang khí cụ. Bất cứ điều gì làm giảm thời gian mang khí cụ đề ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Hình 17. Headgear kéo cổ
Hình 18. Headgear kéo cao
Hình 19. Facemask sử dụng neo chặn ngoài mặt
NEO CHẶN CƠ
Hệ thống cơ xương không chỉ rất mạnh mà còn đàn hồi. Lực được tạo ra bằng cơ đôi khi có thể được dùng để di chuyển răng. Khí cụ lip bumper có thể được sử dụng để di xa răng cối lớn thứ nhất hàm dưới hoặc cung ngang khẩu cái nằm cách vòm khẩu có thể làm lún răng gắn nó, răng cối lớn thứ nhất hàm trên.
KẾ HOẠCH NEO CHẶN
Vào thời điểm quyết định khoảng cách cần thiết để giải quyết sai khớp cắn trong một trường hợp nhất định thì điều cần thiết là lên kế hoạch cho khoảng trống có khả năng bị mất do chuyển động bất biến của răng neo chặn. Yêu cầu neo chặn tùy thuộc vào:
- Số lượng răng được di chuyển: số lượng răng được di chuyển càng nhiều thì yêu cầu neo chặn càng cao. Di chuyển răng thành từng đoạn như di chuyển răng nanh riêng ra hơn là di chuyển toàn bộ nhóm răng trước cùng nhau sẽ giảm tải lên các răng neo chặn.
- Loại răng được di chuyển: răng với chân răng phẳng và/hoặc nhiều hơn một chân răng cần nhiều lực tải hơn ở răng neo chặn. Do đó, khó di chuyển răng nanh hơn so với một răng cửa hoặc một răng cối lớn so với một răng cối nhỏ.
- Kiểu di chuyển – di chuyển răng tịnh tiến đòi hỏi nhiều lực hơn so với làm nghiêng răng đó.
- Tình trạng nha chu – các răng với nâng đỡ xương giảm hoặc răng bị tổn thương nha chu dễ di chuyển hơn so với răng có bám dính mô nha chu khỏe.
- Thời gian di chuyển răng – điều trị kéo dài đặt nhiều lực căng lên răng neo chặn hơn. Điều trị trong thời gian ngắn có thể thay đổi vị trí răng neo chặn không đáng kể trong khi cũng những răng đó có thể không chịu được cùng lực như vậy neoes điều trị kéo dài.
PHÂN LOẠI YÊU CẦU NEO CHẶN
Begg, nhà phát minh ra kỹ thuật dây cung mảnh lực khác nhau hay kỹ thuật Begg, vì nó thường đề cập đến việc ước lượng có một phần ba khoảng trống nhổ răng bị mất vì bị mất neo chặn nếu không có thêm phương tiện nào được sử dụng để bảo tồn neo chặn. Dựa trên tiền đề này, ông phân thoại những trường hợp neo chặn tùy thuộc vào yêu cầu khoảng trống như là neo chặn tối đa, neo chặn trung bình và neo chặn tối thiểu.
NEO CHẶN TỐI ĐA
Chúng bao gồm các trường hợp mà tại đó nhu cầu neo chặn là tối quan trọng hay nói cách khác khoảng trống tối đa cần được dùng để sửa chữa sai khớp cắn và việc mất neo chặn nên được giảm tối thiểu. Trong những trường hợp này không nhiều hơn một phần tư khoảng trống mất răng có thể bị mất do di chuyển về phía trước của các răng neo chặn, chẳng hạn như do mất neo chặn.Tất cả việc chăm sóc cần được thực hiện để bảo tồn neo chặn và sử dụng những phương pháp bổ sung để tăng tường neo chặn, cần lên kế hoạch từ trước khi điều trị.
NEO CHẶN TRUNG BÌNH
Có những trường hợp khi các răng neo chặn được cho phép di chuyển về phía trước vào khoảng trống nhổ răng từ một phần tư đến một nửa tổng khoảng trống nhổ răng. Tăng cường neo chặn có thể không được yêu cầu.
NEO CHẶN TỐI THIỂU
Các trường hợp khi có rất ít khoảng trống nhổ răng cần có việc sửa chữa sai khớp cắn (ít hơn một nửa). Khoảng trống còn lại, chẳng hạn hơn một nửa khoảng trống nhổ răng cần được đóng bằng cách mang các răng neo chặn về phía trước hoặc để mất neo.
—
Nguồn: Gurkeerat Singh (2007), “Textbook of Orthodontics“, 2nd edition, Jaypee Brothers Medical Publishers (P) Ltd
Biên dịch: BS Lương Thị Quỳnh Tâm
—
Các bài viết về nội nha, chẩn đoán hình ảnh trong nha khoa và chỉnh nha được cập nhật hằng ngày tại:
- Nhật ký niềng răng: https://www.facebook.com/my.braces.diary
- Hỏi đáp chỉnh nha – niềng răng từ A đến Z: https://www.facebook.com/hoi.dap.nieng.rang.tu.a.den.z
- Chuyên trang chỉnh nha: https://www.facebook.com/chuyen.trang.chinh.nha
- Chỉnh nha căn bản: https://www.facebook.com/chinhnhacanban
- Chuyên trang nội nha: https://www.facebook.com/endoforall
- Chẩn đoán hình ảnh nha khoa – Chuyên trang: https://www.facebook.com/docxquangnhakhoa
0 Comments