IMPLANT NHA KHOA LÀ GÌ?

ĐỊNH NGHĨA

“Implant nha khoa là một thiết bị y sinh học thường bao gồm một hợp kim hoặc kim loại trơ, dùng để đặt lên hoặc bên trong mô xương”

Implant bây giờ được sử dụng trong chỉnh nha với mục đích tăng cường neo chặn

LỊCH SỬ

Lịch sử của implant hoặc thiết bị giống implant để gắn chân tay giả có thể được tìm thấy trong những cư dân cổ xưa từ nên văn minh Ai Cập (2000 năm), Trung Quốc cổ đại (4000 năm), Incas (1500 năm), v.v… Những vật liệu khác nhau được cấy ghép ở vị trí mất răng; từ những răng được lấy của các nô lệ, tù nhân hoặc từ động vật. Ở hộp sọ người Inca, các nhà nghiên cứu nhận thấy đá quý được cấy ghép trong xương hàm để thay thế răng bị mất. Ở sọ người tiền Columbia, người ta nhận thấy đá được chạm khắc thay thế cho răng bị mất. Những bác sĩ Ả Rập sử dụng xương bò để thay cho răng bị mất.

Trong thời gian gần đây, Maggioli vào 1809 đã dùng vật liệu bằng vàng có hình dạng giống chân răng. Vào 1887, Harris và Berry báo cáo rằng đã dùng răng làm bằng sứ bên trong có chốt platinum phủ chì. Vào những năm đầu thập niên 1900s, Lambotte chế tạo implant làm bằng nhôm, vàng, bạc, đồng thau, đồng, thép, magie, mạ nikel và vàng. Greenfield vào 1909 đã thiết kế một loại implant loại lồng lưới làm bằng iridoplatium. Nó được gắn bằng phẫu thuật và mức độ thành công trung bình. Đây là kiểu thiết kế implant đầu tiên không có hình dạng chân răng.

Vào 1938, Stork giới thiệu hợp kim cobalt chromium molybdenum dùng trong phẫu thuật cấy ghép, được dùng để thay thế cho một răng cửa giữa hàm trên bên trái và nó đã tồn tại kéo dài được 15 năm. Vào 1946, Stork đã thiết kế implant dạng vít hai giai đoạn, được gắn mà không cần dùng chốt qua mô mềm trước và sau khi sự liền xương diễn ra, thân răng và abutment được gắn lên sau đó. Giao diện giữa xương và implant được gọi là ankylosis và nó tương đương với thuật ngữ lâm sàng là “cố định cứng chắc”. Liên kết giữa bề mặt vi thể của xương tiếp xúc với implant và không có sự dịch chuyển khi đặt lực 1 đến 500 gm theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Implant này được đặt đầu tiên bởi Stork và kéo dài hơn 50 năm. Xương dính vào với titanium được báo cáo lần đầu tiên và ghi nhận trong y văn bởi Bothe và cộng sự vào 1940.

Vào năm 1952, Branemark bắt đầu thử nghiệm mở rộng những nghiên cứu trên lâm sàng vi tuần hoàn vi mô về sự lành thương trong tủy xương. Những nghiên cứu trong 10 năm liên quan đến việc cấy ghép implant vào xương hàm ở chó đã bắt đầu vào 1960 và ở người được bắt đầu vào 1965 và được báo cáo vào năm 1977 đưa đến thuật ngữ tích hợp xương. Tích hợp xương được định nghĩa như là “tiếp xúc được thiết lập giữa xương bình thường và tái cấu trúc với bề mặt implant mà không có vùng không có xương hoặc mô liên kết ở giữa”, hoặc “liên kết cấu trúc trực tiếp và chức năng giữa xương sống và bề mặt chịu lực của implant”. Tích hợp xương cũng có thể được định nghĩa như là một sự tương tác trực tiếp giữa xương với bề mặt của implant. Kết quả là implant được cố định ở trong xương và thực hiện chức năng như một đơn vị neo chặn trong chỉnh nha.

CÁC LOẠI IMPLANT NHA KHOA
Implant nha khoa có thể chia thành ba loại chính dựa trên phương thức bám dính vào cấu trúc xương như: endo-osseous, subperiosteal and transosseous
IMPLANT TRONG XƯƠNG
Những implant này có dạng vít thuôn được vặn hoặc được khoan trực tiếp vào trong xương. Chúng tích hợp với xương. Những implant này cung cấp sự lưu giữ, ổn định ban đầu tốt hơn. Thời gian lành thương tối thiểu là 3-4 tháng trước khi có thể chịu lực. Loại này có sẵn với nhiều thiết kế tùy thuộc vào tình trạng xương và loại abutment được sử dụng. Vì lượng khoảng trống sẵn có có giới hạn, giá thành cao và thời gian chờ đợi lâu để tích hợp xương trước khi chịu lực nên có những phương án khác được đề xuất.

Dạng chân răng (cũng được sử dụng trong chỉnh nha)
a. Tùy thuộc vào hình dạng
• Thẳng
• Thuôn
• Bước bậc
b. Tùy thuộc vào bế mặt hoàn tất
• Trơn
• Ren
• Nhám
– Được tổi cát
– Được etch bởi axit
• Được phủ
– Được phun Titanium plasma
– Hydroxyapatite
– Aluminium oxide
c. Dạng kết hợp
• Thẳng trơn
• Thẳng ren (vít)
• Thuôn ren (vít)
• Bước bậc – thuôn ren (vít)
• Bước bậc cylinder
• Kết hợp giữa implant dạng chân răng với phủ bề mặt khác
d. Theo giai đoạn phẫu thuật
• Một giai đoạn
• Hai giai đoạn
e. Theo giao diện trụ abutment 
• Bên trong
• Bên ngoài

Dạng lưỡi

  • Được giới thiệu lần đầu bởi Linkow vào năm 1967
  • Phẳng và thuôn dần từ vai về phía đế
  • Nhiều lỗ để khóa (lưu giữ)
  • Cắt rãnh và gắn vào trong xương
  • Được chỉ định cho các mào xương có gờ mỏng

Khung cành đứng xương hàm dưới

Dấu kim loại

Được sử dụng trong các nghiên cứu chỉnh nha và tăng trưởng.

IMPLANT DƯỚI MÀNG XƯƠNG

Chủ yếu được sử dụng ở người mất răng toàn hàm:

  1. Một bên
  2. Toàn bộ

IMPLANT BĂNG QUA XƯƠNG

Chúng được sử dụng trong những tình trạng mất răng cụ thể và cần phẫu thuật để thực hiện.

  1. Ghim
  2. Ghim đinh
  3. Nhiều đinh

HỆ THỐNG IMPLANT BIOS

(HỆ THỐNG IMPLANT PHỤC HỒI BIO)

Phân hủy sinh học polylactide bởi một kim loại siêu cấu trúc.

MICRO/MINI IMPLANT

Vít titanium qua xương vỏ (thường dùng nhất trong chỉnh nha)

VẬT LIỆU SINH HỌC CHO IMPLANT NHA KHOA

Ngày nay có sẵn nhiều vật liệu có tính tương hợp sinh học nhưng điểm nhấn mạnh chính là ở kim loại, hợp kim kim loại, sứ, polymer, composite và carbon.

KIM LOẠI VÀ HỢP KIM CỦA KIM LOẠI

  • Titanium
  • Tantalum
  • Hợp kim của titanium/aluminium/vanadium
  • Cobalt/chromium/molybdenum
  • Chromium/iron/nickel
  • Titanium và hợp kim của nó được sử dụng rộng rãi nhất.

CERAMICS VÀ CARBONS

  • Aluminium oxide (aluminium và sapphire) ceramics
  • Carbon
  • Hợp chất Carbon silicon.

POLYMERS VÀ COMPOSITES

  • Polymethylmethacrylate
  • Silicon rubber
  • Polyethylene
  • Polylactide

CHỈ ĐỊNH IMPLANT TRONG NHA KHOA

Implant nha khoa chủ yếu được dùng để thay thế răng bị mất. Tỉ lệ thành công cao hay không tùy thuộc vào sự tích hợp vào xương của implant, giúp bệnh nhân có một răng cố định thoải mái hơn là răng tháo lắp. Chỉ định chính của phục hồi bằng implant là ở những bệnh nhân mất răng bán phần – mà không có răng tận cùng và mất răng với khoảng mất răng dài. Trong cả hai tình huống này, kế hoạch điều trị truyền thống thường bao gồm một hàm giả tháo lắp bán phần. Tuy nhiên, với sự ra đời của trụ implant, bệnh nhân có thể hưởng lợi từ phục hồi cố định. Ngoài ra, trong trường hợp khoảng mất răng ngắn, một implant cũng trở thành sự lựa chọn phổ biến. Implant có thể chỉ định cho nhiều trường hợp khác nhau. Những nghiên cứu và kỹ thuật sau này áp dụng những tiến bộ trong kỹ thuật cấy ghép vào những lĩnh vực khác, chẳng hạn như chỉnh nha, dùng implant để làm đơn vị neo chặn. Với nhu cầu điều trị chỉnh nha ngày càng tăng ở những bệnh nhân trưởng thành, tầm quan trọng của việc không mất neo chặn đã thúc đẩy những nghiên cứu liên quan đến chủ đề này. Vẫn phải cẩn thận cân nhắc để không dùng implant quá nhiều so với mức cần thiết và chú ý những trường hợp có thể có chống chỉ định.

Bảng 1. Chỉ định của implant nha khoa

Chỉ định

1.    Mất răng hàm dưới

2.    Mất răng hàm trên

3.    Vùng phía trước của hàm trên

4.    Mất răng bán phần (mất một hoặc hai răng)

·      Kennedy hạng II và III

5.    Cấy ghép một răng duy nhất

6.    Cấy ghép ngoài miệng (chỉnh hình)

7.    Cấy ghép tức thì

·      Chấn thương (cần cân nhắc tình trạng xương)

·      Vấn đề nha chu

·      Bệnh lý quanh chóp, và tiêu chân răng

·      Nhân tố bẩm sinh (thiếu răng khi sinh)

·      Sâu răng

8.    Neo chặn trong chỉnh nha

Bảng 2. Chống chỉ định của implant nha khoa

1.    Bệnh lý y khoa

·      Tạm thời (cúm, mang thai, v.v…)

·      Bệnh lý miễn dịch tự động

·      Giai đoạn cuối của bệnh

·      Không có khả năng phục hồi răng giả

·      Sử dụng corticosteroids

·      Xạ trị vùng đầu (xạ trị khối u vùng đặt implant)

·      Đái tháo đường nặng

·      Vấn đề về tâm lý (bệnh nhân mong muốn không thực tế)

2.    Nha khoa

·      Giải phẫu – thần kinh (quá gần), xoang, v.v…

·      Nang bệnh lý tại chỗ, vấn đề về nướu, v.v…

·      Nhạy cảm với vi sinh vật – vi khuẩn

·      Vệ sinh răng miệng kém

·      Thiếu chuyên gia phẫu thuật

·      Thiếu động lực

·      Bệnh nhân không hợp tác

3.    Vấn đề chung

·      Tài chính

·      Ngề nghiệp phải di chuyển nhiều (không thể đi theo các cuộc hẹn)

·      Thái độ

·      Bệnh nhân mắc bệnh liệt co cứng

NEO CHẶN TRONG CHỈNH NHA

Với sự ra đời của cấy ghép răng giả với kết quả tiên lượng được, các bác sĩ chỉnh nha đã thấy được cơ hội sử dụng chúng với mục tiêu neo chặn. Sử dụng thường quy implant nha khoa không phù hợp với mục tiêu neo chặn trong chỉnh nha vì kích thước của chúng, ngoài trừ trường hợp có vùng mất răng trong miệng. Ban đầu implant nha khoa có đường tính tương đối nhỏ hơn 3.5 – 4.5 mm và có chiều dài khác nhau (10-16mm) được sử dụng trong chỉnh nha. Chúng được khoan những ren và được thổi cát hoặc xoi mòn axit trên bề mặt hoàn tất. Vùng cổ chuyển tiếp với niêm mạc được đánh bóng và dài 2.5 hoặc 4.5 mm. Vì kích thước lớn nên chúng thường được đặt ở khẩu cái hoặc ở rùng phía sau răng cối lớn.

Picture1

Hình 1. Implant khẩu cái dùng để giữ cố định răng nanh hàm trên, neo chặn để di xa răng cối lớn hàm trên

Cùng với sự thành công của cấy ghép nha khoa, implant cũng đã được thiết kế đặc biệt để làm neo chặn trong chỉnh nha. Chúng có đường kính nhỏ hơn thường là 0.9 – 1.6 mm và có chiều dài trong khoảng 6 – 12 mm. Đầu implant có một lỗ và / hoặc một rãnh để nhận dây chỉnh nha hoặc những thành phần phụ chỉnh nha khác. Chúng có thể được đục lỗ hoặc tự vặn. Kích thước nhỏ cũng giúp việc đặt vít ở các vùng khác nhau khá dễ dàng như vùng giữa các răng, giữa các răng cối lớn. Vì kích thước nhỏ nên người ta gọi vít trong chỉnh nha là “mini-implants, micro-implants, mini-screws hoặc mini-pins”. Năm hệ thống chính sẵn có và còn lại là những dẫn xuất giống nó.

  • Hệ thống SAS, Sendai Nhật Bản
  • Hệ thống OMAS, Đài Bắc Đài Loan, Lomas-Mondial, Đức
  • Hệ thống ORLUS, Đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc
  • Hệ thống Mia, Đại học Kyungpook, Daedu, Hàn Quốc
  • TOMAS, Dentaurum, Đức

Screen Shot 2019-02-07 at 9.54.28 AM

Hình 2. Những loại mini vít có sẵn trên thị trường

Screen Shot 2019-02-07 at 9.55.19 AM

Hình 3A. Mini vít được cắm giữa răng 15 và 16

Screen Shot 2019-02-07 at 9.55.28 AM

Hình 3B. Mini vít theo chiều ngang ở hàm dưới

Screen Shot 2019-02-07 at 9.55.52 AM-side

Hình 4A. Di xa đoạn phía sau hàm trên bằng mini vít

Screen Shot 2019-02-07 at 9.56.30 AM

Hình 4B. Kéo lùi nguyên khối trong một trường hợp neo chặn tuyệt đối

Screen Shot 2019-02-07 at 9.56.40 AM

Hình 4C. Điều trị phân đoạn dùng để chỉnh răng nanh mọc ngầm

Screen Shot 2019-02-07 at 9.56.50 AM

Hình 4D. Điều trị phân đoạn làm lún răng cửa hàm dưới 

Bảng 3. Thủ thuật cắm mini vít

Ø  Phương pháp trực tiếp

Để cắm mini vít trực tiếp mà không cần đường rạch

Được chỉ định khi cắm mini vít trên vùng nướu dính

Thường được thực hiện trên hầu hết các trường hợp

Kết quả có thể tiên lượng được

Ø  Phương pháp gián tiếp

Cắm implant trên vùng nướu di động

Cần một đường rạch có chiều dài 2 đến 5 mm. Tương đối ít sử dụng.

Implant sẽ được bao phủ bởi mô nướu

Ø  Phương pháp vặn mini vít

ü  Phương pháp có khoan lỗ

Khoan trước bằng một mũi có đường kính nhỏ hơn mini vít 0.2 mm

ü  Phương pháp tự vặn

Không cần khoan trước

Chỉ dùng một mũi tròn hoặc một mũi nhỏ từ 2 đến 4 mm để tạo một điểm vào, đặc biệt khi cắm mini vít với một góc độ nào đó.

ü  Các bước cắm mini vít bằng phương pháp tự vặn

Bước I – Cô lập vùng dự định đặt mivi vít và bôi tê bề mặt (15% lidocaine)

Bước II – Gây tê bằng 0.2 ml thuốc tê

Bước III – Đánh dấu vị trí chính xác bằng cây thăm dò nha chu

Bước IV – Sử dụng cây bấm mô để tạo một điểm định vị, bộc lộ xương sẽ tạo một điểm chảy máu nhìn thấy được.

Bước V – Tạo một lỗ dẫn đường bằng một mũi khoan tròn hoặc một mũi dài 2 – 4 mm đi qua xương vỏ (tuỳ chọn nhưng phù hợp)

Bước VI – Sử dụng cây vặn vít để vặn vít vào trong xương.

Ø  Thủ thuật tháo mini vít

Khi mini vít không tích hợp xương thì việc tháo vít có thể thực hiện dễ dàng bằng cây vặn vít. Nó chỉ để lại một điểm chảy máu nhỏ và lành thương mà không cần dùng thuốc hay khâu vết thương gì.

Implant trong chỉnh nha càng ngày càng phổ biến với khả năng neo chặn trong những trường hợp khó. Mini-implant có ưu điểm trên lâm sàng đó là không di chuyển khi dùng với mục đích làm răng di chuyển. Khả năng này cung cấp neo chặn tuyệt đối giúp thực hiện được những chuyển động khó như là di xa răng cối lớn, kéo lùi nguyên khối, v.v… một cách thường quy. Nhờ vậy mà tăng khả năng chấp nhận điều trị chỉnh nha ở người trưởng thành và những bệnh nhân đòi hỏi thẩm mỹ cao, vì việc điều trị phân đoạn có thể tiến hành được. Chúng có khả năng tạo neo chặn một cách tuyệt vời với việc tăng chi phí điều trị chỉnh nha tối thiểu, cũng giúp giảm thời gian điều trị.

Screen Shot 2019-02-07 at 9.56.59 AM

Hình 5. Kéo lùi nguyên khối răng cửa hàm trên và hàm dưới với điểm đặt lực gần với tâm cản của răng được kéo lùi

Bảng 4. Chống chỉ định của cắm implant nha khoa

a.    Chống chỉ định chung

Không được sử dụng mini vít cho những bệnh nhân có:

1.    Tiền sử suy giảm miễn dịch

2.    Tiền sử điều trị steroid (trong 6 tháng vừa qua)

3.    Rối loạn đông chảy máu

4.    Bệnh lý nội tiết không kiếm soát

5.    Bệnh lý về xương

6.    Bệnh thấp khớp

7.    Xơ gan, hoặc bất kỳ bệnh lý mạn tính nào

b.    Chống chỉ định tại chỗ

1.    Viêm xương tuỷ xương vùng hàm

2.    Điều trị xạ trị vùng đầu hoặc cổ

3.    Bệnh lý tụt nướu

4.    Vệ sinh răng miệng không đạt yêu cầu

Implants cũng đã được dùng để di xa răng cối lớn hàm trên và hàm dưới và một nhóm răng, và để đạt được độ nghiêng, dựng trục, lún răng, trồi răng và chuyển neo chặn đến những phần khác trong miệng. Implant và vít titanium sinh học đời mới rất thuận tiện để cắm vào vị trí tại đó đường tác động của lực có thể trùng với tâm cản của răng giúp tạo chuyển động răng tịnh tiến. Implant hỗ trợ trong điều trị chỉnh nha giúp giảm thiểu việc mất neo chặn và giảm thời gian điều trị tổng thể. Headgear và những phương tiện ngoài miệng khác được loại bỏ. Điều quan trọng nhất đó là điều trị chỉnh nha bây giờ có thể thực hiện ở những trường hợp mất nhiều răng. Ngoài ra điều trị cũng không còn phụ thuộc vào sự hợp tác của bệnh nhân.

Screen Shot 2019-02-07 at 9.57.12 AM

Hình 6. Mini vít được đặt ở vùng mất răng để kéo lùi những răng còn lại trên cung hàm

Bảng 5. Những vị trí cắm mini vít khác nhau

Những vị trí cắm mini vít khác nhau

Xương hàm trên

·      Mấu gò má

·      Lồi cùng xương hàm trên

·      Vùng giữa các chân răng phía ngoài và phía trong

·      Vùng giữa khẩu cái

Xương hàm dưới

·      Vùng sau răng cối lớn

·      Vùng giữa các chân răng

·      Đường giữa xương hàm dưới

Vị trí khác

·      Vùng mất răng

Có một vài chống chỉ định của việc dùng vít nhưng nên thận trọng khi sử dụng, đặc biệt là ở những bệnh nhân dưới 14 tuổi, vì bệnh nhân trẻ có xương xốp không tạo được sự vững ổn ban đầu khi cắm vít.

Mini vít có thể được cắm ở những vị trí khác nhau để tạo neo chặn trực tiếp hoặc gián tiếp. Neo chặn trực tiếp được dùng khi lực được tác động trực tiếp từ đầu vít, chẳng hạn như dùng thun để kéo lùi các răng. Neo chặn gián tiếp khi mini vít được sử dụng để cố định hoặc tăng cường neo chặn của răng cối lớn. Mini vít có khả năng tạo một cuộc cách mạng trong chỉnh nha, giúp việc lên kế hoạch neo chặn đơn giản hơn, giảm thời gian điều trị, và ngày càng nhiều bệnh nhân có động lực để điều trị chỉnh nha.

Bảng 6. Ứng dụng của mini vít trong chỉnh nha

Neo chặn trong chỉnh nha

·      Được sử dụng để kéo lùi các răng trước

·      Dựng trục răng cối lớn

·      Di chuyển răng theo chiều gần xa

·      Sửa chữa cắn hở (bằng cách lún răng sau: neo chặn xương)

·      Di xa răng cối lớn thứ nhất và thứ hai

·      Lún các răng

·      Hỗ trợ neo chặn cho những răng liên quan đến nha chu neo chặn yếu hoặc những bất thường bẩm sinh và khiếm khuyết do phát triển của xương hàm dẫn đến neo chặn không đầy đủ.

·      Thay thế những răng bị mất sau khi hoàn tất điều trị chỉnh nha (nên được thực hiện chỉ sau khi hoàn tất quá trình tăng trưởng sọ mặt)

Screen Shot 2019-02-07 at 9.57.25 AM

Hình 7A. Neo chặn gián tiếp để di gần răng cối lớn

Screen Shot 2019-02-07 at 9.57.35 AM-side

Hình 7B. Neo chặn gián tiếp

Nguồn: Gurkeerat Singh (2007), “Textbook of Orthodontics“, 2nd edition, Jaypee Brothers Medical Publishers (P) Ltd

Biên dịch: BS Lương Thị Quỳnh Tâm

Các bài viết về nội nha, chẩn đoán hình ảnh trong nha khoa và chỉnh nha được cập nhật hằng ngày tại:

Bình luận

BS Lương Quỳnh Tâm

https://www.facebook.com/nhap.mon.chinh.nha/

0 Comments

Leave a Reply

error: Content is protected !!