Răng sữa tồn tại cùng sự phát triển của bé trong vài năm đầu đời rồi sẽ dần được thay thế bằng răng trưởng thành. Tuy vậy, răng sữa đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình ăn, nhai và phát triển của bé.

Trẻ em cũng có nguy cơ bị bệnh sâu răng như những trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành. Chăm sóc răng cho trẻ cần phải được bắt đầu từ lúc chiếc răng đầu tiên mọc lên. Tập thói quen vệ sinh răng miệng sớm giúp cho bé có hàm răng khỏe mạnh. Bên cạnh đó, trẻ cần được khám răng 6 tháng một lần. Khám răng đều đặn như vậy sẽ giúp phát hiện những răng chớm bị sâu để được điều trị sớm, tránh biến chứng.

Tuy nhiên, nhiều bé thấy sợ khi đến phòng khám nha khoa khiến việc thăm khám định kỳ khá khó khăn. Đây có lẽ là sự băn khoăn, thậm chí là lo lắng của hầu hết các bậc cha mẹ khi con của mình đã đến tuổi mọc răng – thay răng. Bố mẹ có thể áp dụng các gợi ý sau đây để chuẩn bị tâm lý cho trẻ không còn sợ hãi, lo lắng khi đi khám nha khoa.

1. Đưa trẻ tham quan phòng khám nha khoa từ nhỏ

Trẻ em như một tờ giấy trắng. Nếu như những trải nghiệm của trẻ đầu tiên với phòng khám nha khoa tạo được ấn tượng tốt thì sau này trẻ sẽ thấy vui vẻ, hào hứng khi đến nha khoa để chăm sóc răng miệng. Các bậc cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám răng từ khi 1 – 3 tuổi, lúc những chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên.

2. Chơi trò chơi nha sĩ

Trong thời gian rãnh rỗi, hãy cho trẻ xem các hình ảnh hoặc video khám điều trị răng miệng tại nha khoa, hoặc có thể kể những mẫu chuyện thú vị về những chiếc răng, và nha sĩ. Bố mẹ cũng có thể làm mẫu hoặc chơi trò chơi khám răng, đếm răng, kiểm tra môi lưỡi của bé.

3. Cho trẻ tham dự các buổi trò chuyện cùng nha sĩ

Nha sĩ có thể trò chuyện, hướng dẫn cho trẻ cách chăm sóc răng miệng để trẻ thấy gần gũi với bác sĩ hơn. Cho trẻ trải nghiệm cảm giác khám răng ra sao để trẻ không còn lo lắng khi lên ghế nha khoa.

4. Tạo cảm giác thoải mái cho trẻ

Có thể cho trẻ mang đồ chơi hoặc thú bông yêu thích khi đến nha khoa. Trong thời gian chờ đợi, hãy để trẻ vui chơi để tinh thần thoải mái.

Bố mẹ hãy khuyên nhủ và giảng giải cho bé về tầm quan trọng và lợi ích của thói quen thăm khám kiểm tra răng miệng. Tránh bắt ép hay lừa phỉnh trẻ, đồng thời không nhắc tới những từ ngữ nhạy cảm như đau, chảy máu, nhổ răng … khiến trẻ lo lắng.

Khi trẻ quấy khóc tại phòng khám, bố mẹ cũng đừng trách mắng trẻ vì đây cũng là tâm lý bình thường. Lúc này hãy cùng nha sĩ xoa dịu tinh thần và cảm xúc của trẻ bằng chơi đồ chơi hoặc trò chuyện.

5. Tạo niềm tin cho trẻ

Trước khi bắt đầu thủ thuật gì, bác sĩ hãy giải thích nhẹ nhàng cho trẻ. Có thể làm mẫu trước, cho trẻ xem cách dụng cụ như gương, đèn, v.v… Tránh nói dối trẻ rằng “hoàn toàn không đau” nếu như điều trị có thể gây khó chịu cho trẻ, mà hãy bảo là “cảm giác nhói một xíu thôi”. Như vậy trẻ sẽ có niềm tin vào bác sĩ.

6. Chia làm những điều trị nhỏ

Trong bữa thăm khám đầu tiên, có thể cho trẻ làm quen với một số thủ thuật đơn giản như đánh bóng răng hoặc trám 1 chiếc răng. Nếu trẻ có nhiều vấn đề răng miệng cần giải quyết thì có thể chia làm nhiều lần hẹn để trẻ không căng thẳng hay mỏi miệng vì thường trẻ chỉ có thể tập trung trong một thời gian ngắn.

  7. Khen ngợi khi trẻ hợp tác cùng bác sĩ

Sau buổi điều trị đầu tiên, hãy cho trẻ xem thành quả mình đạt được, chẳng hạn như đưa gương để trẻ xem răng mình đã sạch sẽ hơn, răng đã có miếng trám màu trắng tinh. Hãy khen ngợi trẻ nếu trẻ đã hợp tác cùng với bác sĩ làm cho răng mình khoẻ hơn.

 

Ths. Bs. Lương Quỳnh Tâm


Bình luận

BS Lương Quỳnh Tâm

https://www.facebook.com/nhap.mon.chinh.nha/

0 Comments

Leave a Reply

error: Content is protected !!