GIỚI THIỆU

Bất cứ điều trị nào đều thất bại trừ khi kết quả điều trị có thể được giữ lại. Trong những năm qua, khái niệm về duy trì đã trải qua nhiều sửa đổi ngày càng tiến bộ hơn khiến bác sĩ chỉnh nha có trách nhiệm hơn với việc duy trì kết quả cuối cùng đạt được trong điều trị. Khoảng thời gian mà kết qủa có thể được duy trì  hoặc thời gian lưu giữ có thể thay đổi theo thời gian. Ban đầu, bác sĩ chỉnh nha chỉ chịu trách nhiệm cho việc đạt được kết quả như mong đợi, họ không có trách nhiệm duy trì kết quả giống như vậy sau khi ngưng cuộc điều trị. Hiện nay, người ta nhấn mạnh đến việc duy trì kết quả đạt được không chỉ trong một vài năm sau khi ngưng điều trị chỉnh nha mà còn duy trì kết quả trong suốt cuộc đời của bệnh nhân.

Thuật ngữ “duy trì” được định nghĩa là: “giữ răng ở vị trí lý tưởng và chức năng”

NGUYÊN NHÂN CỦA TÁI PHÁT

Các nguyên nhân khác nhau đã được đề xuất gây nên sự tái phát (bảng 1). Nguyên nhân cơ bản nhất trong số đó là bệnh nguyên vẫn còn tồn tại. Nếu nguyên nhân cơ bản không được loại bỏ thì điều trị sẽ bị tái phát. Một điều bắt buộc đối với tất cả các bác sĩ lâm sàng đầu tiên đó là chẩn đoán đúng, và lên kế hoạch điều trị và duy trì ban đầu, luôn nhớ đến nguyên nhân ở trong đầu. Việc loại bỏ nhân tố bệnh nguyên trước khi hoàn tất là điều bắt buộc.

ilovepdf_com

Hình 1. Tái phát sau điều trị bằng khí cụ cố định có nhổ răng cối nhỏ thứ nhất vì không giải quyết được thói quen đẩy lưỡi

Trong suốt quá trình răng di chuyển, các bè xương bị tiêu và tái tạo theo hướng nhìn chung song song với lực đặt lên răng. Sự tái định hướng này cần khoảng 6 tháng để hoàn tất. Sau khi hoàn tất việc di chuyển răng, bè xương được định hướng lại theo hướng trục chính của chân răng. Điều này lần nữa cần 6 tháng để hoàn thành. Xương trong suốt thời gian này thường đáp ứng hơn với những ảnh hưởng của áp lực và tái phát có thể xảy a nếu vị trí mới không ổn định.

Bảng 1. Nguyên nhân tái phát

1.    Thất bại trong việc loại bỏ nguyên nhân sai khớp cắn

2.    Chẩn đoán sai và thất bại trong việc lên kế hoạch điều trị

3.    Thiếu sự lồng múi bình thường khi cắn lại

4.    Nong rộng cung hàm, phía bên hoặc phía trước

5.    Kích thước và sự hài hoà của cung răng không đúng

6.    Độ nghiêng trục răng không đúng

7.    Tiếp xúc không đúng cách

8.    Bất hài hoà kích thước răng

Mô mềm xung quanh cổ răng bị kéo căng. Vì tính linh hoạt và đàn hồi, chúng truyền lực đến xương kích thích ít đáp ứng từ xương hơn. Các sợi transseptal của dây chằng nha chu mất nhiều thời gian để định hướng lại nhất do xoay lại răng và là nguyên nhân chính của tái phát khi sửa chữa răng bị xoay. Sự định hướng của các sợi nướu và các sợi nha chu khác cũng bị xáo trộn trong suốt quá trình răng di chuyển. Chúng có khuynh hướng chồng chất lại trên đường răng di chuyển, đặc biệt nếu di chuyển nhanh. Mô mềm quanh miệng cần thời gian dài hơn để thích nghi với vị trí mới của răng hơn là của xương. Sự tăng trưởng khác biệt ở những cá nhân trẻ tuổi đang tăng trưởng cũng chiếm một lượng lớn những trường hợp tái phát, đặc biệt là với mô hình xương hạng III.

Nhìn chung, các sợi nha chu và sợi nướu có khả năng tạo ra những bất thường nội hàm (xoay răng, thưa răng, chen chúc răng, v.v…). Hệ thống cơ quanh miệng (bao gồm lưỡi, môi, má) có hả năng tạo ra những bất thường cả trong và giữa các hàm. Sự tiếp nối của tăng trưởng hà bất thường có thể gián tiếp ảnh hưởng đến mô mềm quanh miệng như cơ nâng môi cũng như tạo ra những tái phát giữa hai hàm.

NHU CẦU DUY TRÌ

Việc duy trì được lên kế hoạch để “chống lại sự di chuyển của răng theo khuynh hướng của chúng, và cho phép răng di chuyển tự do theo mọi hướng ngoại trừ khuynh hướng quay về lại vị trí cũ”.

Về cơ bản, việc duy trì ngăn ngừa sự tái phát xảy ra hoặc nói cách khác ngăn ngừa răng quay lại vị trí khớp cắn ban đầu. Trước đó, “duy trì được mô tả như là khoảng thời gian sau khi điều trị chủ động khi khí cụ thụ động/ tháo lắp được mang khoảng hai năm để ổn định khớp cắn được tạo ra”. Bây giờ với sự gia tăng về kiến thức liên quan đến cơ chế sinh học tái phát, khái niệm “duy trì suốt đời” đã phát triển.

TRƯỜNG TƯ TƯỞNG/ TRIẾT LÝ

Các khái niệm hiện tại về duy trì căn bản được dựa trên bốn trường tư tưởng sau đây:

TRƯỜNG KHỚP CẮN

Vào năm 1880, Norman Kingsley kiến nghị rằng – “khớp cắn răng là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự ổn định ở vị trí mới”. Phát biểu này trải qua sự thử nghiệm của thời gian và đã có nhiều nghiên cứu khác nhau. Lồng múi tốt luôn hỗ trợ sự ổn định của kết quả điều trị.

TRƯỜNG NỀN CHÓP RĂNG

Vào giữa những năm 1920, Axel Lundstrom đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nền chóp trong việc duy trì kết quả điều trị. Hay’s Nance vào năm 1947 tiếp tục ghiên cứu chủ đề này và kết luận rằng:

  • Nếu một kết quả ổn định vĩnh viễn đạt được sau điều trị chỉnh nha, răng hàm dưới phải nằm đúng tương quan với nền xương.
  • Chiều dài cung răng có thể được tăng lên vĩnh viễn chỉ ở một mức giới hạn.
  • Phải tránh việc nghiêng răng vào trong hoặc ra ngoài quá nhiều.

Nói tóm lại, các răng hàm dưới thẳng hàng phải nằm trên nền xương mà không quá nhô hoặc cụp nếu muốn duy trì sự ổn định cuả chúng.

TRƯỜNG RĂNG CỬA HÀM DƯỚI

Trường răng cửa hàm dưới được Grieve và Tweed đề xuất. Chúng được duy trì vì lý do ổn định, các răng cửa hàm dưới phải có trục thẳng đứng hoặc hơi cụp nhẹ so với nền xương.

TRƯỜNG CƠ

Paul Roger đã giới thiệu trường tư tưởng liên quan đến sự cần thiết của việc thiết lập sự  cân bằng cơ thích hợp.

Tất cả các triết lý trên đều có liên quan với nhau, chẳng hạn việc duy trì tuỳ thuộc vào khớp cắn được thiết lập và khớp cắn được thiết lập phải nằm trong giới hạn cân bằng cơ bình thường, ngoài ra khớp cắn và sự cân bằng cơ được thiết lập phụ thuộc vào số lượng nền chóp có sẵn và tương quan giữa các nền chóp răng với nhau.

ĐỊNH LÝ DUY TRÌ CỦA RIEDEL

Riedel đã tổng hợp tất cả những triết lý khác nhau thành chín định lý như sau:

ĐỊNH LÝ 1

“Răng đã được di chuyển có khuynh hướng quay lại vị trí của của chúng”. Điều này đã được công nhận bởi các nhà nghiên cứu khác nhau và được chấp nhận như là một sự thật. Những ảnh hưởng được kiến nghị bao gồm sự mất cân bằng cơ, nền chóp răng, các sợi transseptal và hình thái xương.

ĐỊNH LÝ 2

“Loại bỏ nguyên nhân sai khớp cắn giúp cho việc duy trì kết quả”. Xấp xỉ 25% trường hợp sai khớp cắn là do nguyên nhân tại chỗ, tức là có thể phòng ngừa được. Khoảng 2% là bẩm sinh, chẳng hạn như khe hở môi, vòm miệng và 70% khác là do di truyền từ chủng tộc và có thể là suy thoái khuôn mặt bên dưới nền sọ. Tất cả những nổ lực nên thực hiện để sửa chữa những nhân tố có nguồn gốc di truyền liên quan đến sai khớp cắn, kết hợp với những yếu tố nguyên nhân có thể nhận diện được.

ĐỊNH LÝ 3

“Điều trị lố sai khớp cắn là một cách duy trì an toàn”. Điều trị lố cắn sâu, cắn phủ và xoay răng là một thủ thuật chấp nhận được. Hầu hết các nhà nghiên cứu đã ủng hộ việc điều trị lố như là một phương tiện chống tại quá trình tái phát. Lý do là dự tính sẽ có một lượng nào đó tái phát sau khi sửa chữa.

ĐỊNH LÝ 4

“Khớp cắn là một nhân tố quan trọng trong quá trình duy trì”. Lồng múi đúng ở khớp cắn sau điều trị là điều quan trọng mang lại sự ổn định. Nhưng đôi khi quan trọng hơn là sự có sự cân bằng khớp cắn trong quá trình ăn nhai và/hoặc thực hiện chức năng. Khớp cắn tĩnh cũng nên được kiểm tra, nhưng điều quan trọng nữa cũng cần nghiên cứu đó là khớp cắn chức năng của một trường hợp (chẳng hạn tiếp xúc hài hoà mặt nhai các răng trong các vận động chức năng khi ăn nhai).

ĐỊNH LÝ 5

“Xương và mô kế cận phải được phép tái tổ chức lại xung quanh vị trí mới của răng”. Xương và mô mềm xung quanh răng vừa mới được di truyển cần thời gian để tự tái tổ chức lại. Cần một khoảng thời gian hợp lý trước khi tất cả các thiết bị duy trì được tháo bỏ hoàn toàn. Mô mềm xung quanh khoang miệng mất nhiều hời gian hơn để định hướng lại tương ứng với vị trí mới của răng.

ĐỊNH LÝ 6

“Các răng cửa hàm dưới phải được dựng trục thẳng trên nền xương”. Kết quả ổn định hơn đạt được khi các răng cửa hàm dưới được dựng trục thẳng hoặc hơi lùi trên nền xương. Raleigh William đã đề xuất sáu chìa khoá cần tuân theo giúp đặt được kết quả ổn định của răng hàm dưới.

Bảng 2. Sáu chìa khoá duy trì răng hàm dưới của Raleigh Williams

Chìa khoá thứ nhất: Rìa cắn của các răng cửa hàm dưới nên nằm trên đường A-P hoặc trước đường này 1 mm. Điều này được mô tả là vị trí tối ưu cho sự ổn định. Nó cũng tạo sự cân bằng mô mềm tối ưu ở một phần ba tầng mặt dưới. Ở đây, góc răng cửa hàm dưới thích hợp khi tạo với mặt phẳng hàm dưới một góc 90 độ hoặc với mặt phẳng FH một góc 65 độ, chỉ phù hợp về mặt thẩm mỹ và ổn định với những người có dạng xương Bắc Âu tối ưu, nhưng không dành cho những bệnh nhân có nguồn gốc chủng tộc khác.

Chìa khoá thứ hai: chóp răng cửa hàm dưới nên nằm về phía xa so với thân răng, nhiều hơn thường được xem là phù hợp. Chóp của các răng cửa bên hàm dưới phải nghiêng hơn răng cửa giữa. Khi các chân răng dưới hội tụ hoặc song song, thân răng có khuynh hướng bó lại và cần dùng duy trì cố định.

Chìa khoá thứ ba: Chóp của răng nanh dưới nên nằm về phía xa so với thân răng. Góc độ này của răng nanh dưới quan trọng trong việc tạo sự ổn định sau điều trị cho răng cửa, vì nó giảm khuynh hướng thân răng nanh nghiêng về phía vùng răng cửa.

Chìa khoá thứ tư: Tất cả bốn chóp răng cửa dưới phải cùng nằm trên mặt phẳng theo chiều ngoài trong. Các chân răng loe về phía xa gây ra khuynh hướng nghịch đảo thân răng về phía gần hơn.

Chìa khoá thứ năm: chóp chân răng nanh dưới phải nằm hơi về phía ngoài so với đỉnh thân răng. Khái niệm cũ cho rằng độ rộng liên răng nanh dưới không thể được mở rộng vĩnh viễn chỉ đúng đối với một số trường hợp. Sau điều trị, nếu răng nanh dưới được di chuyển về phía xa vào một cung răng rộng hơn và chóp chân răng nằm phía ngoài so với thân răng thì tính ổn định được duy trì.

Chìa khoá thứ sáu: răng cửa dưới nên được làm thon nhỏ nếu cần thiết. Các răng cửa hàm dưới không có mòn phía bên có điểm tiếp xúc tròn, nhỏ thì bị đẩy nhô lên nếu chóp răng loe ra để ổn định. Sau đó, một áp lực nhỏ nhất liên tục từ phía bên có thể gây nên sự chen chúc. Làm phẳng điểm tiếp xúc vùng răng cửa hàm dưới bằng cách mài kẽ tạo bề mặt tiếp xúc phẳng giúp kháng lại sự dịch chuyển thân răng theo chiều ngoài trong.

 

ĐỊNH LÝ 7

“Viếc sửa chữa được thực hiện trong quá trình tăng trưởng thì sẽ ít tái phát hơn”. Điều trị can thiệp sớm là điều bình thường ngày nay và có một vài ưu điểm:

  • Ngăn chặn sự tiếu triển, huỷ hoại mô không hồi phục.
  • Tối đa hoá việc ứng dụng tăng trưởng. Với sự mọc răng, cho phép can thiệp vào khớp cắn trước khi bù trừ quá mức về răng và hình thái (vốn trở nên khó khăn hơn để sửa chữa và duy trì).
  • Cho phép sửa chữa bất tương quan về xương trong khi những cấu trúc còn chưa trưởng thành về mặt hình thái và còn tuân theo việc điều chỉnh
  • Tránh sự phát triển của những vấn đề liên quan đến sai khớp cắn, như những trường hợp được điều trị trước khi trẻ ý thức được về diện mạo của mình.

ĐỊNH LÝ 8

“Răng càng di chuyển càng xa thì khả năng tái phát càng ít”. Vì vậy, khi răng được di chuyển một đoạn xa thì yêu cầu duy trì giảm đi. Vị trí của răng càng xa vị trí ban đầu sẽ tạo ra một trạng thái cân bằng hay không vẫn đang còn tranh cãi.

ĐỊNH LÝ 9

“Hình dạng cung răng, đặc biệt là ở cung hàm dưới, không thể bị thay đổi vĩnh viễn bằng phương pháp điều trị”. Thay đổi hình dạng cung răng ban đầu tăng nguy cơ tái phát. Những nghiên cứu chỉ ra rằng:

  1. Độ rộng liên răng nanh hàm dưới không thể được tăng lên, ngoại trừ trong những tình huống được xác định rõ.
  2. Độ rộng vùng răng cối nhỏ có thể được tăng lên xấp xỉ 2 mm và dự kiến có thể giữ ổn định.
  3. Độ rộng vùng răng cối không thể được tăng lên, ngoại trừ khi độ nghiêng trục ngoài trong răng được sửa chữa.
  4. Chiều dài cung răng sẽ giảm trong suốt cuộc đời, chủ yếu trước tuổi 30. Điều này thường biểu hiện như là dựng trục răng cửa, tăng góc liên răng cửa, chen chúc và thay đổi vị trí các răng trước và sự tái chen chú răng

THỜI GIAN DUY TRÌ

Thời gian duy trì là tối quan trọng. Trong một số trường hợp sai khớp cắn việc duy trì phải lâu hơn và một số trường hợp thì không cần duy trì. Reidel phân nhóm sai khớp cắn thành: không cần duy trì, duy trì trong một khoảng thời gian và duy trì vĩnh viễn (bảng 3).

Bảng 3. Kế hoạch duy trì

Reidel đã phân kế hoạch duy trì thành 3 nhóm:

1.    Không cần duy trì

A.   Cắn chéo

Phía trước: khi có đủ độ cắn phủ

Phí sau: khi độ nghiêng trục răng được duy trì hợp lý sau khi sửa chữa

B.   Các răng được điều trị bằng cách nhổ răng tuần tự

C.   Sửa chữa đạt được nhờ sự tăng trưởng chậm của xương hàm trên khi bệnh nhân đã hoàn tất việc tăng trưởng

D.   Bộ răng có các răng được tách ra để tạo chỗ cho một răng bị kẹt mọc lên

2.    Duy trì có thời hạn

A.   Trường hợp hạng I không có nhổ răng thưa và nhô răng cửa (cho đến khi môi bình thường và chức năng của lưỡi tốt)

B.   Trường hợp hạng I và II có nhổ răng

C.   Những trường hợp liên quan đến răng mọc sai chỗ hoặc hiện diện của răng dư

D.   Sửa chữa cắn sâu

E.    Trường hợp hạng II chi II: duy trì mở rộng cho phép sự thích nghi của cơ

3.    Duy trì vĩnh viễn hoặc bán vĩnh viễn

A.   Trong nhiều trường hợp, để duỳ trì thẩm mỹ hiện có thì không thực hiện nhổ răng. Cách duy nhất để tạo khoảng trong những trường hợp như vậy là nong rộng. Những trường hợp này, đặc biệt là ở cung hàm dưới đòi hỏi việc duy trì vĩnh viễn hoặc bán vĩnh viễn.

B.   Những trường hợp  có khoảng trống đáng kể

C.   Răng xoay nhiều hoặc nằm sai vị trí ngoài trong nghiêm trọng

D.   Khoảng trống giữa hai răng cửa giữa  với khớp cắn bình thường.

LOẠI DUY TRÌ

Thiết bị duy trì là những khí cụ chỉnh nha thụ động giúp duy trì  và ổn định vị trí của một răng đơn lẻ hoặc một nhóm răng cho phép tổ chức lại những cấu trúc nâng đỡ. Khí cụ duy trì có thể được phân loại đơn giản thành cố định và tháo lắp, dựa trên khả năng tháo khí cụ ra của bệnh nhân. Khí cụ duy trì cũng được Leyin phân loại.

NHỮNG YÊU CẦU CỦA MỘT KHÍ CỤ DUY TRÌ LÝ TƯỞNG

Graber đưa ra một số tiêu chí nhất định mà bất kỳ khí cụ duy trì nào cũng nên có. Chúng bao gồm:

  1. Nó nên hạn chế răng đi về hướng mà nó tái phát
  2. Nó nên cho phép các lực liên quan đến hoạt động chức năng tác động tự do lên răng, cho phép chúng đáp ứng gần như là sinh lý nhất có thể.
  3. Nó có thể được tự làm sạch càng tốt và dễ dàng vệ sinh răng miệng.
  4. Càng kín đáo, thẩm mỹ càng tốt
  5. Đủ mạnh để chịu được việc sử dụng hằng ngày

DUY TRÌ CỐ ĐỊNH

Khí cụ duy trì cố định thường được gắn lên răng, sử dụng trong những trường hợp dự đoán có tình trạng bất ổn định trong nội bộ cung hàm và có kế hoạch duy trì kéo dài. Chúng ngày càng được sử dụng phổ biến vì tương đối kín đáo, không thấy được và giảm sự phụ thuộc vào bệnh nhân mang hàm. Chúng cũng có một số nhược điểm và những nhược điểm này cũng đã được hạn chế cùng với sự phát triển của kỹ thuật dán tốt hơn.

Bảng 4. Chỉ định của khí cụ duy trì cố định

1.    Duy trì vị trí răng cửa hàm dưới trong giai đoạn tăng trưởng muộn của xương hàm dưới.

2.    Sau khi đóng khe thưa

3.    Duy trì khoảng trống để làm cầu răng

4.    Tình trạng nha chu kèm theo với nguy cơ răng di chuyển sau điều trị

5.    Phòng tránh tái phát xoay răng

6.    Phòng tránh tái phát sau sửa chửa răng nanh mọc phía trong, đặc biệt nếu độ cắn phủ không đạt được.

7.    Phòng tránh mở lại khoảng trống nhổ răng đã được đóng, đặc biệt ở bệnh nhân trưởng thành.

 

Bảng 5. Ưu điểm của khí cụ duy trì cố định

1.    Giảm nhu cầu hợp tác của bệnh nhân

2.    Có thể được sử dụng khi khí cụ duy trì truyền thống không mang lại cùng mức độ vững ổn

3.    Duy trì dán mặt trong thẩm mỹ hơn

4.    Không kích thích mô như khí cụ Hawley

5.    Không có móc trên răng vốn thường hay thấy ở những khí cụ tháo lắp được tháo ra và lắp vào

6.    Có thể được sử dụng để duy trì vĩnh viễn hoặc bán vĩnh viễn

7.    Không ảnh hưởng đến phát âm vốn thường bị ảnh hưởng khi mang khí cụ duy trì tháo lắp có nền tựa.

 

Bảng 6. Nhược điểm của khí cụ duy trì cố định

1.    Cồng kềnh khi gắn vào

2.    Tăng thời gian ngồi trên ghế nha

3.    Đắt tiền hơn

4.    Có thể cản trở việc duy trì vệ sinh răng miệng

5.    Dễ gãy hơn so với khí cụ duy trì tháo lắp

Duy trì cố định tạm thời giữa các thân răng

Duy trì cố định tạm thời giữa các thân răng thường không được sử dụng ngày nay. Chúng quan trọng hơn từ quan điểm lý thuyết và không được khuyến cáo sử dụng thường quy vì những nhược điểm vốn có của nó và do sự sẵn có của những phương tiện tốt hơn. Chúng bao gồm sự kết hợp giữa amalgam và/hoặc dây và nhựa acrylic hoặc vật liệu composite.

Những răng cạnh nhau được nối với nhau bởi cách sửa soạn những kênh liên tục ở mặt bên và đặt dây tăng cường ở những kênh này. Phần khuyết được phủ bởi composite, amalgam hoặc bất kỳ xi măng phục hồi nào.

ilovepdf_com-1

Hình 2. Duy trì cố định tạm thời giữa các thân răng bằng amalgam

Ở mặt trong các răng trước, sửa soạn các kênh mặt lưỡi không liên tục và dùng nhiều dây dán vào đó. Kênh có thể được dán bởi composite.

Một phương pháp khác là dùng dây cung vòng quanh chu vi thân răng và nẹp nhựa acrylic hoặc composite. Các kênh vòng quanh được cắt vào trong mặt ngoài và mặt trong của các răng trước và một sợi thép không rỉ mỏng (0.01”) được buộc theo hình số 8. Các kênh sau đó được đóng bằng vật liệu composite. Cách làm này không còn được dùng nữa.

Bảng 7. Nhược điểm của phương pháp duy trì cố định tạm thời giữa các thân răng

·      Mất vật liệu răng lành mạnh

·      Khuynh hướng đổi màu

·      Nguy cơ tiềm năng nhạy cảm và sâu răng

·      Ảnh hưởng đến việc duy trì vệ sinh răng miệng

·      Nếu gãy thì việc thay thế lại khá vất vả

Khí cụ cố định tạm thời ngoài thân răng

** Nẹp tiếp xúc răng

Như tên gọi, ở đây các răng gần nhau được dán với nhau tại điểm tiếp xúc bằng nhựa composite. Tuy nhiên, gãy chất dán là một vấn đề thường xảy ra và không thẩm mỹ, ít vệ sinh và khó tháo.

ilovepdf_com-2

Hình 3. Nẹp tiếp xúc giữa xác răng cửa giữa hàm trên để duy trì sau khi đóng khe thưa

** Duy trì mặt lưỡi từ răng 3 đến răng 3

Gắn bằng khâu hoặc dán

Có hai loại:

  • Gắn khâu – dây 0.036/0.04’’
  • Dán dây 0.036’’ + tấm kim loại trên răng nanh
  • Dán tấm kim loại trong suốt chiều dài của duy trì

Các loại duy trì trên đều thường được sử dụng và có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có sự lựa chọn thích hợp.

ilovepdf_com-3

Hình 4A. Duy trì gắn bằng khâu trên răng nanh

ilovepdf_com-4

Hình 4B. Duy trì dán tấm kim loại trên răng nanh

ilovepdf_com-5

Hình 4C. Duy trì dán bằng tấm kim loại có bán sẵn trên thị trường

Bảng 8. Ưu điểm của duy trì dán so với duy trì bằng khâu

1.    Hoàn toàn không thấy ở mặt ngoài

2.    Giảm nguy cơ sâu răng, vì toàn bộ được dán lên bề mặt răng

3.    Giảm nhu cầu hợp tác lâu dài của bệnh nhân

4.    Không có khoảng thời gian đợi giữa lúc tháo mắc cài và dán khí cụ duy trì (thậm chí có thể dán trước khi tháo mắc cài)

5.    Có thể dán trực tiếp hoặc gián tiếp

 

Bảng 9 . Những nhược điểm của duy trì dùng khâu trên thân răng

1.    Thiếu tính thẩm mỹ, khâu kim loại có thể nhìn thấy được

2.    Tích tụ mảng bám và mảnh vụn thức ăn xung quanh khâu và dây kết nối

3.    Dễ sâu răng ở vùng xi măng bị rò rỉ.

4.    Không phải lúc nào hiệu quả chống lại tình trạng loe răng, thưa răng hoặc thay đổi độ nghiêng ngoài trong của răng cửa.

 ** Duy trì bằng dây bện xoắn

Kích thước của dây thường dùng là:

  1. Dây dày (0.032”)
  2. Dây mỏng (0.02”)

Dây mỏng được sử dụng cho những khí cụ duy trì khác nhau trong đó tất cả các răng trong một đoạn được dán. Những khí cụ duy trì này thường được sử dụng nhất. Chúng có nhiều ưu điểm và rất ít nhược điểm.

ilovepdf_com-6 ilovepdf_com-7

Hình 5A. Duy trì dán bằng dây (dây dày)

ilovepdf_com-8

Hình 5B. Duy trì dán bằng dây bện xoắn (dây mỏng)

Bảng 10. Ưu điểm và nhược điểm của duy trì bằng dây bện xoắn

Ưu điểm của duy trì bằng dây bện xoắn

·      Rẻ nhất

·      Độ xoắn của dây giúp dính tốt mà không cần miếng kim loại để dán

·      Cho phép răng di chuyển nhẹ trong qúa trình hoạt động chức năng

·      Nhìn chung đủ mảnh để không cản trở khớp cắn

·      Có thể được sử dụng cùng với khí cụ duy trì tháo lắp

Nhược điểm của duy trì bằng dây bện xoắn

·      Bắt buộc vệ sinh răng miệng tốt

·      Có thể dẫn đến dịch chuyển răng nếu dây không nằm thụ động trước khi dán

·      Có thể cản trở khớp cắn ở những trường hợp cắn sâu

Duy trì bằng miếng lưới thép

Ở đây một miếng lưới thép được dán trực tiếp vào mặt trong hoặc mặt ngoài của răng.

ilovepdf_com-9

Hình 6. Duy trì bằng miếng lưới thép

KHÍ CỤ DUY TRÌ THÁO LẮP

Đây là loại khí cụ duy trì được dùng thường quy nhất trong thực hành lâm sàng. Hàm duy trì tháo lắp là khí cụ thụ động có thể tháo ra và gắn lại bởi bệnh nhân.

  1. Khí cụ Hawley: Charles Hawley đã thiết kế hàm duy trì Hawley vào năm 1920. Nó là khí cụ tháo lắp dùng phổ biến nhất ngày nay. Hàm duy trì bao gồm một cung môi dài từ răng nanh đến răng nanh với móc lưu giữ (móc Adam) ở răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất. Nó lưu giữ tốt và có thể ngăn cho răng trước không bị xoay hoặc thưa. Thiết kế của nó tránh việc mở lại khoảng nhổ răng và có thể đóng những khe thưa nhỏ ở vùng răng trước.
  2. Duy trì Hawley với cung môi dài: một thay đổi của khí cụ ban đầu đó là cung môi có loop chữ U trên răng cối nhỏ từ phía xa răng nanh. Thay đổi này cho phép đóng khoảng phía xa đến răng nanh.
  3. Duy trì Hawley với viền cung môi: một thay đổi của khí cụ Hawley ban đầu trong đó cung môi viền theo các răng trước. Ưu điểm đó là cho phép kiểm soát tốt hơn vùng răng trước.
  4. Duy trì Hawley với cung môi băng ngang qua phía xa răng cửa bên và một phần mở rộng ngắn ở phía xa kiểm soát răng nanh giúp giữ cánh tay duy trì của cung môi không cản trở khớp cắn. Việc kiểm soát răng nanh vẫn đủ để duy trì. Đóng khoảng ở đoạn răng trước không thực hiện được.

ilovepdf_com-10

Hình 9. Duy trì Hawley với cung môi băng ngang qua phía xa răng cửa bên

  1. Duy trì Hawley với cung môi liên tục hàn vào móc. Điều này cho phép việc đóng khoảng ở vugf răng trước cũng như vùng nhổ răng hoặc vùng răng cối nhỏ. Bệnh nhân thích ứng tốt với hàm duy trì và tránh mở lại khoảng trống ở vùng nhổ răng.

ilovepdf_com-11

Hình 10. Duy trì Hawley với cung môi liên tục hàn vào móc

  1. Duy trì Begg. Duy trì Begg được đặt tên theo P.R. Begg, người chịu trách nhiệm phổ biến loại duy trì này. Ở loại duy trì này, cung môi mở rộng về phía sau đến răng cối lớn cuối cùng mọc lên và gắn vào trong nền nhựa. Nó lý tưởng cho những trường hợp cần ổn định khớp cắn; đặc biệt ở đoạn răng sau vì không có khung dây băng ngang qua khớp cắn.

ilovepdf_com-12

Hình 11A. Duy trì của Begg

ilovepdf_com-13

Hình 11B. Duy trì Begg bao vòng xung quanh

  1. Duy trì Hawley biến đổi với dây thun nhẹ thay thế cho cung môi. Loại duy trì này hiếm khi được sử dụng ngày nay. Việc dùng dây thun ở vùng phía trước đặt lực không cần thiết lên những răng này và có khuynh hướng làm phẳng cung răng.

ilovepdf_com-14

Hình 12. Duy trì Hawley biến đổi với dây thun nhẹ thay thế cho cung môi

  1. Hàm duy trì bao xung quanh. Hàm duy trì này là một biến đổi của duy trì Begg và được sử dụng trong trường hợp răng cối lớn thứ hai hoặc thứ ba mọc một phần.

ilovepdf_com-15

Hình 13. Hàm duy trì bao xung quanh.

  1. Duy trì lò xo: duy trì lò xo hoặc tái điều chỉnh lò xo được thiết kế để sử dụng riêng cho vùng răng trước. Nó có khả năng điều chỉnh cũng như sắp thẳng các răng này.

ilovepdf_com-16

Hình 14. Duy trì lò xo

  1. Duy trì Kesling: D. Kesling đã giới thiệu hàm duy trì theo thiết kế của ông vào năm 1945. Nó được làm từ cao su nhiệt dẻo và bao phủ thân răng lâm sàng hàm trên và hàm dưới và một phần của nướu cạnh đó. Bệnh nhân không thể nói như mang hàm duy trì. Một số điều chỉnh nhỏ để ổn định khớp cắn có thể thực hiện được bằng khí cụ này.

ilovepdf_com-17

Hình 15. Duy trì Kesling

  1. Duy trì trong suốt Osamu: loại duy trì này được làm từ những tấm nhựa nhiệt dẻo mỏng. Chúng thương đối trong suốt và được tất cả các bệnh nhân chấp nhận. Vật liệu bao phủ toàn bộ thân răng lâm sàng và một phần mở rộng đến nướu răng gần đó. Một số tác giả khuyên rằng việc tháo hàm từ một phần ba cắn/mặt nhai của thân răng lâm sàng giúp răng ổn định tốt hơn.

ilovepdf_com-18

Hình 16. Duy trì trong suốt Osamu

Nguồn: Gurkeerat Singh (2007), “Textbook of Orthodontics“, 2nd edition, Jaypee Brothers Medical Publishers (P) Ltd

Biên dịch: BS Lương Thị Quỳnh Tâm

Các bài viết về nội nha, chẩn đoán hình ảnh trong nha khoa và chỉnh nha được cập nhật hằng ngày tại:

Bình luận

BS Lương Quỳnh Tâm

https://www.facebook.com/nhap.mon.chinh.nha/

0 Comments

Leave a Reply

error: Content is protected !!