GIỚI THIỆU
Để nhận dạng một nhóm thì chúng ta cần chia thành các nhóm và các phân nhóm dựa trên những điểm tương đồng. Phân loại sai khớp cắn là mô tả những nét sai biệt răng mặt dựa trên nét đặc trưng phổ biến hoặc thông thường. Nhiều phân loại được kiến nghị bởi nhiều nhà nghiên cứu khác nhau tùy vào kinh nghiệm và những điều họ thấy được trên lâm sàng. Hiểu được những phân loại này là điều cơ bản nhất của các bác sĩ học chỉnh nha vì chúng thường được dùng trong giao tiếp, và đôi khi những đặc điểm trong một phân nhóm sẽ có một phương thức điều trị tương tự nhau.
Tùy thuộc vào thành phần của miệng và hàm mặt, sai khớp cắn có thể được chia thành ba loại:
- Răng nằm ở vị trí sai
- Bất tương xứng giữa các cung răng hoặc các phần của răng – xương ổ răng.
- Mất cân xứng về xương
Ba loại này có thể tồn tại riêng biệt trên một bệnh nhân hoặc kết hợp và liên quan lẫn nhau, tùy thuộc vào vấn đề nằm ở đâu – trên từng cung răng riêng biệt hoặc các phân đoạn răng – xương ổ răng hay cấu trúc xương bên dưới.
RĂNG NẰM SAI VỊ TRÍ
Đây là tình trạng sai vị trí của từng năng so với răng cạnh nó trên cùng một cung hàm. Vì thế, trường hợp này còn được gọi là sai khớp cắn bên trong cung răng.
Loại này có thể chia thành các phân loại sau:
RĂNG NGHIÊNG GẦN
Răng bị nghiêng về phía gần, tức là thân răng nằm về phía gần so với chân răng.
RĂNG NGHIÊNG XA
Răng bị nghiêng về phía xa, nghĩa là thân răng nằm về phía xa so với chân răng
RĂNG NGHIÊNG TRONG
Răng hướng bất thường về phía trong (phía lưỡi ở cung hàm dưới hoặc phía khẩu cái ở cung hàm trên)
RĂNG NGHIÊNG NGOÀI
Răng nghiêng bất thường về phía môi hoặc má
KHỚP CẮN THẤP
Răng nằm dưới mặt phẳng nhai so với những răng khác trên cung hàm
KHỚP CẮN CAO
Răng nằm cao hơn mặt phẳng nhai so với những răng khác trên cung hàm
RĂNG XOAY
Thuật ngữ này chỉ những răng di chuyển xung quanh trục dọc của nó. Có hai kiểu xoay răng:
Gần trong hoặc xa ngoài
Mặt gần của răng nghiêng trong, hay nói cách khác mặt xa của thân răng nằm về phía ngoài so với mặt gần.
Xa trong hoặc gần ngoài
Mặt xa của răng nghiêng trong, hay nói cách khác mặt gần của thân răng nằm về phía ngoài so với mặt xa của nó.
Răng chuyển vị
Thuật ngữ này dùng để chỉ những trường hợp hai răng đổi chỗ cho nhau, chẳng hạn răng nanh đổi vị trí cho răng cửa bên.
BẤT CÂN XỨNG GIỮA CÁC CUNG HÀM
Kiểu sai khớp cắn này đặc trưng bởi tương quan bất thường giữa các răng và các nhóm răng của một cung hàm với cung hàm còn lại. Bất cân xứng giữa các cung răng có thể xảy ra theo ba mặt phẳng trong không gian – mặt phẳng đứng dọc, mặt phẳng đứng ngang hoặc mặt phẳng ngang
SAI KHỚP CẮN THEO MẶT PHẲNG ĐỨNG DỌC
Loại này có thể được chia thành hai phân loại:
Khớp cắn phía trước so với bình thường
Khi các răng gặp nhau tại khớp cắn trung tâm thì cung răng hàm dưới nằm về phía trước hơn.
Khớp cắn phía sau so với bình thường
Khi các răng gặp nhau ở khớp cắn trung tâm thì cung răng hàm dưới nằm về phía sau hơn.
SAI KHỚP CẮN THEO MẶT PHẲNG ĐỨNG NGANG
Loại này có thể chia làm hai phân loại tùy thuộc vào độ phủ theo chiều dọc của các răng giữa hai hàm.
Cắn sâu
Ở đây độ cắn phủ theo chiều dọc giữa răng hàm trên và răng hàm dưới lớn hơn so với bình thường.
Cắn hở
Ở đây không có độ phủ hoặc chỉ có một khoảng trống giữa các răng hàm trên và hàm dưới khi bệnh nhân cắn lại ở khớp cắn trung tâm. Một trường hợp cắn hở có thể gặp ở răng trước hoặc ở vùng răng sau.
SAI KHỚP CẮN THEO MẶT PHẲNG NGANG
Loại này bao gồm nhiều kiểu cắn chéo khác nhau. Thông thường các răng hàm trên nằm về phía ngoài so với các răng hàm dưới. Nhưng đôi khi do cung răng hẹp hoặc vì một số lý do khác mà tương quan này bị xáo trộn, chẳng hạn một hoặc nhiều răng hàm trên nằm về phía trong so với các răng hàm dưới. Tình trạng này khác nhau về mức độ, vị trí và số lượng răng liên quan.
SAI KHỚP CẮN DO XƯƠNG
Loại sai khớp cắn này do những khiếm khuyết của bản thân xương nền bên dưới. Khiếm khuyết này có thể là về kích thước, vị trí hoặc tương quan xương giữa hai hàm.
PHÂN LOẠI SAI KHỚP CẮN CỦA ANGLE
Năm 1899, Edward Angle phân loại sai khớp cắn dựa trên tương quan gần – xa của răng, các cung răng và hàm. Ông xem răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm trên như là một điểm giải phẩu cố định trên hàm và là chìa khóa của khớp cắn. Phân loại của ông căn cứ vào tương quan giữa răng này với răng khác ở hàm dưới. Hơn 100 năm qua kể từ khi Angle đưa ra hệ thống phân loại của mình, đến giờ nó vẫn là hệ thống phân loại thường được sử dụng nhất. Nó đơn giản, dễ sử dụng và truyền tải chính xác những gì thu nhận được.
Angle phân loại sai khớp cắn thành 3 dạng. Vào thời điểm hiện tại, nó được trình bày dưới hình thức dễ chấp nhận nhất. Ba dạng này được gọi là “Hạng” và được thể hiện bằng số La Mã I, II, III.
SAI KHỚP CẮN HẠNG I
Cung răng hàm dưới trong mối tương quan gần – xa bình thường so với cung răng hàm trên, với múi ngoài gần của răng cối lớn thứ nhất hàm trên ăn khớp với rãnh ngoài của răng cối lớn thứ nhất vĩnh viễn hàm dưới, và múi trong gần của răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm trên khớp với rãnh mặt nhai của răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm dưới khi các hàm ở tư thế nghĩ và các răng nằm xấp xỉ vị trí khớp cắn trung tâm.
SAI KHỚP CẮN HẠNG II
Cung răng hàm dưới nằm về phía xa so với cung răng hàm trên. Múi ngoài gần của răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm trên ăn khớp trong khoảng giữa múi ngoài gần răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm dưới và mặt xa của răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới.
Ngoài ra, mũi trong gần của răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm trên khớp về phía gần so với múi trong gần của răng cối lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm dưới.
Angle chia sai khớp cắn hạng II thành hai chi dựa vào góc ngoài trong của các răng cửa hàm trên, như sau:
Hạng II chi 1
Cùng với tương quan răng cối lớn điển hình của sai khớp cắn hạng II, răng cửa hàm trên chìa ra ngoài.
Hạng II chi 2
Cùng với tương quan răng cối điển hình của sai khớp cắn hạng II, các răng cửa hàm trên, các răng cửa giữa hàm trên có vị trí theo chiều trước sau gần như bình thường hoặc hơi nghiêng nhẹ vào trong, trong khi đó các răng cửa bên hàm trên nghiêng về phía ngoài và/hoặc về phía gần.
Hạng II một bên
Khi tương quan răng cối hạng II chỉ ở một bên cung răng
SAI KHỚP CẮN HẠNG III
Cung răng hàm dưới có tương quan về phía gần so với cung răng hàm trên; với múi ngoài gần của răng cối lớn thứ nhất hàm trên khớp với khoảng giữa mặt xa của múi xa răng cối lớn thứ nhất hàm dưới và mặt gần của múi gần răng cối lớn thứ hai hàm dưới.
Hạng III giả
Đây không phải là một trường hợp hạng III thật sự nhưng lại có biểu hiện tương tự như hạng III. Ở đây xương hàm dưới trượt về phía trước trong hõm khớp do tiếp xúc sớm của răng hoặc một vài lý do khác khi hai hàm khớp lại ở cắn khớp trung tâm.
Hạng III một bên
Thuật ngữ này dùng để chỉ sai khớp cắn một bên.
Phân loại của Angle là phân loại sai khớp cắn toàn diện đầu tiên. Nó vẫn còn được chấp nhận và sử dụng thường qui cho đến ngày hôm nay, và là cơ sở cho việc giao tiếp giữa các nhà lâm sàng với nhau. Mặc dù vậy nó vẫn có một số khiếm khuyết sau:
Bảng 1. Nhược điểm của phân loại Angle
1. Angle giả định rằng răng cối lớn thứ nhất là điểm cố định trên cung hàm nhưng điều này chắc chắn là không phải như vậy
2. Angle phụ thuộc hoàn toàn vào các răng cối lớn thứ nhất. Do đó, phân loại không thể thực hiện được nếu mất răng cối lớn thứ nhất hoặc áp dụng có bộ răng sữa. 3. Vấn đề sai khớp cắn chỉ được xem xét trên mặt phẳng theo chiều trước sau. Sai khớp cắn trên mặt phẳng ngang hoặc mặt phẳng đứng ngang không được xem xét. 4. Sai khớp cắn trên từng răng riêng biệt không được cân nhắc 5. Không có sự phân biệt giữa sai khớp cắn do răng và xương 6. Nguyên nhân của sai khớp cắn không được đề cập chi tiết. |
THAY ĐỔI PHÂN LOẠI SAI KHỚP CẮN ANGLE CỦA DEWEY
Vào 1915, Dewey thay đổi hạng I và hạng III Angle bằng cách phân biệt giữa sai vị trí của phân đoạn phía trước và phía sau như dưới đây:
THAY ĐỔI HẠNG I ANGLE CỦA DEWEY
Loại 1
Hạng I Angle với các răng trước hàm trên chen chúc
Loại 2
Hạng I Angle với các răng cửa hàm trên nhô
Loại 3
Hạng I Angle với các răng cửa hàm trên nằm về phía trong so với các răng cửa hàm dưới (cắn chéo răng trước)
Loại 4
Các răng cối lớn và/hoặc răng cối nhỏ nằm ngoài hoặc trong nhưng các răng cửa và răng nanh sắp xếp bình thường (cắn chéo răng sau)
Loại 5
Các răng cối lớn nằm về phía gần do mất sớm răng nằm về phía gần của nó (mất sớm răng cối sữa hoặc răng cối nhỏ thứ hai)
THAY ĐỔI HẠNG III ANGLE CỦA DEWEY
Loại 1
Hai cung hàm riêng biệt có các răng thẳng đều nhưng khi ăn khớp với nhau thì các răng trước cắn đối đầu.
Loại 2
Các răng cửa hàm dưới chen chúc và nằm về phía trong so với các răng cửa hàm trên
Loại 3
Cung hàm trên kém phát triển, các răng cửa hàm trên chen chúc và cắn chéo, cung hàm dưới phát triển tốt và sắp xếp đều.
THAY ĐỔI PHÂN LOẠI SAI KHỚP CẮN ANGLE CỦA LISCHER
Vào năm 1933, Lischer tiếp tục sửa đổi phân loại của Angle bằng cách đưa ra các tên thay thế cho sai khớp cắn hạng I, hạng II, hạng III của Angle. Ông cũng đề xuất các thuật ngữ để định nghĩa sai khớp cắn của từng răng.
KHỚP CẮN ĐÚNG
Khớp cắn đúng là thuật ngữ đồng nghĩa với sai khớp cắn hạng I Angle
KHỚP CẮN XA
Khớp cắn xa là thuật ngữ đồng nghĩa với sai khớp cắn hạng II Angle
KHỚP CẮN GẦN
Khớp cắn gần là thuật ngữ đồng nghĩa với sai khớp cắn hạng III Angle
Lischer đặt tên gọi cho từng răng có vị trí sai như sau:
- Lệch gần: nằm về phía gần so với vị trí bình thường
- Lệch xa: nằm về phía xa so với vị trí bình thường
- Lệch trong: nằm về phía trong so với vị trí bình thường
- Lệch ngoài: nằm về phía ngoài so với vị trí bình thường
- Mọc thấp: nằm dưới đường cắn khớp
- Mọc cao: nằm cao hơn đường cắn khớp
- Nghiêng trục: trục răng sai, nghiêng.
8. Răng xoay: răng xoay quanh trục của nó
9. Chuyển vị: răng thay đổi vị trí so với thứ tự bình thường.
PHÂN LOẠI SAI KHỚP CẮN CỦA BENNETTE
Bennette phân loại sai khớp cắn dựa trên nguyên nhân của nó như:
Hạng I
Vị trí bất thường của một hoặc nhiều răng do nhân tố tại chỗ
Hạng II
Sự hình thành bất thường của một phần hoặc toàn bộ cung hàm do khiếm khuyết trong quá trình phát triển xương
Hạng III
Mối quan hệ bất thường giữa cung hàm trên và cung hàm dưới và giữa cung hàm và nét mặt, do khiếm khuyết trong quá trình phát triển xương.
PHÂN LOẠI SAI KHỚP CẮN CỦA SIMON
Vào năm 1930, Simon là người đầu tiên nói về tương quan giữa cung răng và mặt và xương sọ trong ba chiều không gian, chẳng hạn như:
- Mặt phẳng ngang Frankfort (đứng ngang)
- Mặt phẳng mắt (trước – sau)
- Mặt phẳng ngang
MẶT PHẲNG FRANKFORT (ĐỨNG NGANG)
Mặt phẳng ngang Frankfort hoặc mặt phẳng mắt – tai được xác định bằng cách vẽ một đường thẳng từ bờ xương ổ mắt ngay dưới con ngươi mắt đến bờ dưới ống tai ngoài (khía trên bình tai). Mặt phẳng này được sử dụng để phân loại sai khớp cắn theo mặt phẳng đứng dọc. Sai lệch theo mặt phẳng này là:
- Thẩm mỹ: khi cung răng hoặc phần của nó gần với mặt phẳng ngang Frankfort thì được xem là cuốn hút.
- Trừu tượng: khi cung răng hoặc phần của nó cách xa mặt phẳng ngang Frankfort thì được xem là trừu tượng.
MẶT PHẲNG MẮT
Mặt phẳng này vuông góc với mặt phẳng Frankfort tại bờ xương ổ mắt ngay dưới con ngươi. Ở đây, ông muốn đề cập đến quy tắc răng nanh. Theo Simon trên cung răng có tương quan bình thường, mặt phẳng mắt đi qua mặt xa của răng nanh hàm trên. Sai khớp cắn được mô tả theo chiều trước sau dựa trên khoảng cách từ mặt phẳng mắt:
- Nhô răng: răng trên một hoặc hai cung răng/cung hàm nằm về phía trước nhiều, chẳng hạn nằm trước vị trí mặt phẳng này so với bình thường
- Lùi răng: răng trên một hoặc cả hai cung răng/cung hàm nằm về phía sau nhiều, chẳng hạn nằm về vị trí mặt phẳng này so với bình thường.
MẶT PHẲNG GIỮA KHẨU CÁI
Mặt phẳng giữa khẩu cái được xác định bởi các điểm cách nhau khoảng 1.5cm trên đường ráp giữa khẩu cái. Mặt phẳng giữa khẩu cái đi qua hai điểm này và vuông góc với mặt phẳng Frankfort. Phân loại sai khớp cắn theo hướng ngang so với mặt phẳng giữa khẩu cái:
- Co lại: một phần hoặc toàn bộ cung răng co hướng về mặt phẳng giữa khẩu cái
- Giãn ra: một phần hoặc toàn bộ cung răng rộng hơn hoặc nằm cách mặt phẳng giữa khẩu cái xa hơn bình thường.
—
Nguồn: Gurkeerat Singh (2007), “Textbook of Orthodontics“, 2nd edition, Jaypee Brothers Medical Publishers (P) Ltd
Biên dịch: BS Lương Thị Quỳnh Tâm
—
Các bài viết về nội nha, chẩn đoán hình ảnh trong nha khoa và chỉnh nha được cập nhật hằng ngày tại:
- Nhật ký niềng răng: https://www.facebook.com/my.braces.diary
- Hỏi đáp chỉnh nha – niềng răng từ A đến Z: https://www.facebook.com/hoi.dap.nieng.rang.tu.a.den.z
- Chuyên trang chỉnh nha: https://www.facebook.com/chuyen.trang.chinh.nha
- Chỉnh nha căn bản: https://www.facebook.com/chinhnhacanban
- Chuyên trang nội nha: https://www.facebook.com/endoforall
- Chẩn đoán hình ảnh nha khoa – Chuyên trang: https://www.facebook.com/docxquangnhakhoa
0 Comments